Loading...
Cuộc sống ở Nhật

Bệnh tháng Năm tại Nhật: nguyên nhân, dấu hiệu và cách vượt qua

"Bệnh tháng Năm" ở Nhật: nguyên nhân, dấu hiệu và cách vượt qua

Bệnh tháng Năm tại Nhật là gì? Bạn đã nghe tới chứng bệnh “kì lạ” này bao giờ chưa?

Nếu đối với người Việt, tháng Giêng là tháng ăn chơi, thì đối với người Nhật, giai đoạn đầu năm cũng là dịp mừng năm mới, rồi tiếp theo là mùa lễ hội, kì nhập học, kì “lên lon” tại công ty, đến tuần lễ vàng,… Và thế là, khi mọi thứ kết thúc, mọi người chợt nhận ra mình mắc “bệnh tháng Năm” lúc nào không hay.

Hãy cùng Morning Japan tìm hiểu thêm về “bệnh tháng Năm tại Nhật” trong bài viết này nhé!

Bệnh tháng Năm tại Nhật

Bệnh tháng Năm trong tiếng Nhật là 五月病 (gogatsu byou). Cũng như nhiều loại bệnh khác, bệnh tháng Năm xảy đến khi bạn chẳng để ý. Và nó phổ biến ở Nhật đến nỗi người ta đã đặt hẳn cho nó một cái tên như vậy.

Nói là “bệnh”, nhưng căn bệnh này thực ra là một dạng biến đổi, rối loạn tâm lý. Bệnh tháng Năm khá giống với chứng trầm cảm. Đó là khi bạn thấy mệt mỏi với cuộc sống và không còn động lực để sống mỗi ngày. Dần dần, bệnh tháng Năm sẽ khiến tình trạng này của bạn trở nên trầm trọng. Cuối cùng, bạn sẽ thực sự mắc chứng trầm cảm nếu không kịp thời nhận ra vấn đề của mình.

bệnh tháng năm tại nhật

Nguyên nhân gây ra bệnh tháng Năm tại Nhật là gì?

Ở Nhật, trường học và các công ty đều bắt đầu vào khoảng đầu tháng Năm. Trước đó là khoảng thời gian dài cho những kì nghỉ và lễ hội. Hơn nữa, tháng 4 còn là tháng đánh dấu của những khởi đầu mới. Đó là thời gian của năm học mới, kì đánh giá công việc để tiếp nhận vị trí mới…

Sau khoảng thời gian được xả hơi, rồi được lên tinh thần với những khởi đầu mới vào tháng Tư, mọi người cũng mất dần đi cảm giác hưng phấn khi đi làm/đi học mỗi ngày. Như vậy, dễ thấy những người đi làm và học sinh là những người dễ mắc phải chứng bệnh này nhất.

Với chứng bệnh tháng Năm, stress chính là nguyên nhân của mọi việc. Khi cảm giác hào hứng mong chờ đi qua, mọi người cảm thấy bị hụt hẫng khi phải đối mặt với thực tế không mấy vui vẻ: họ phải đi làm vì công việc cơm áo gạo tiền cũng như có nghĩa vụ phải đến trường học hàng ngày. Đi làm/đi học trở thành một thứ phiền phức khiến người ta không muốn ra khỏi giường vào mỗi sáng nữa.

Thêm vào đó, khi mới bắt đầu đi học/đi làm chưa được bao lâu thì lại được nghỉ tuần lễ vàng. Thế là, cảm giác háo hức được thay thế bởi tâm lý thư giãn, vui chơi. Để rồi khi tuần lễ vàng qua đi, mọi người chợt nhận thấy mình không hứng thú với công việc/học tập như mình nghĩ.

Tồi tệ hơn, có những người bắt đầu đặt câu hỏi rằng phải chăng mình đã quyết định sai khi chọn trường/chọn việc? Rồi sau đó họ rơi vào hố sâu khủng hoảng tâm lý.

tâm lý - bệnh tháng năm

Biểu hiện của bệnh tháng Năm

Biểu hiện đầu tiên và chung nhất đó là cảm giác mệt mỏi, mất động lực làm việc/học tập và chán nản cuộc sống. Từ cảm giác chán chường, những người bị ảnh hưởng của chứng bệnh tháng Năm còn thấy mình dễ bị tổn thương hơn so với bình thường. Dễ nghĩ mọi việc theo chiều hướng tiêu cực. Dễ nghĩ quá lên hay phản ứng thái quá trong những tình huống hết sức bình thường.

Suy nghĩ quá nhiều và stress còn dẫn đến mất ngủ kéo dài. Muốn ngủ những những ý nghĩ u ám cứ lởn vởn trong đầu khiến họ không tài nào chợp mắt. Thiếu ngủ như vậy sẽ làm cơ thể kiệt quệ, dễ đau dạ dày, dễ ngất xỉu trong ngày. Ngoài ra còn cảm giác không muốn ăn gì, mất đi vị giác, biếng ăn nữa.

Những biểu hiện trên của bệnh tháng Năm đều chủ yếu gây ra bởi stress.

Ảnh hưởng của chứng bệnh tháng Năm

Đầu tiên, với những người đi làm, đặc biệt là những người mới tốt nghiệp và đi làm lần đầu, vì quá lo sợ mình làm hỏng việc hay hoang mang với lựa chọn, họ sẽ không thể đến công ty làm việc. Đây là một trong những lý do số người nghỉ phép tăng lên trong tháng Năm. Các công ty sẽ lại phải bận rộn tuyển người thay thế.

Cũng có nhiều người xin nghỉ việc hẳn để rồi lại stress thêm khi phải trầy trật tìm một công việc mới. Thậm chí, có nhiều người còn tự kết liễu cuộc đời trong thời gian này khi chứng bệnh tháng Năm đã trở thành trầm cảm nặng.

Còn ở trường học, hẳn nhiên tỷ lệ học sinh/sinh viên nghỉ học hay trốn tiết nhiều hơn hẳn. Những câu khẩu hiệu “Mình sẽ cố gắng học thật tốt” bỗng trở nên vô nghĩa khi cảm giác mặc bộ đồng phục mới, làm quen bạn bè mới và trải nghiệm môi trường mới đã qua đi.

stress khi làm việc tại Nhật

Cách để vượt qua sự phiền phức từ bệnh tháng Năm

Ý thức trạng thái cảm xúc của bản thân

Khi bạn bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với ý nghĩ sáng dậy sớm đi làm, chen chân lên một chuyến tàu điện chật ních và phải ngồi lỳ trong bốn bức tường công sở đến tối mịt – không sao cả! Hãy nhận thức được rằng bạn ĐÚNG LÀ đang thấy stress, không còn hứng thú với công việc. CÓ THỂ bạn đang có biểu hiện của bệnh tháng Năm rồi.

Nhưng đồng thời, hãy Ý THỨC rằng “bệnh tháng Năm” này chỉ là một trạng thái tâm lý tạm thời mà thôi. Chỉ một thời gian ngắn là chúng sẽ đi qua. Bạn sẽ lại cảm thấy vui vẻ trở lại.

Những cảm xúc mệt mỏi, không còn ý chí này là có thật. Hãy chấp nhận những cảm xúc đó. Nhưng bạn KHÔNG NÊN đi xa hơn thế. Đừng để cảm xúc tiêu cực chi phối lý trí bạn để rồi bạn thấy mình thấp kém, sai lầm, không xứng đáng…

Chia sẻ vấn đề của mình với người xung quanh

Khi bạn buồn chán, bạn sẽ có xu hướng thu mình lại, không muốn gặp gỡ tiếp xúc ai. Bạn cũng sẽ hạn chế những buổi đi chơi cùng bạn bè, đồng nghiệp để ở trong phòng “gặm nhấm” vấn đề của mình.

Tuy nhiên, để có thể trải qua giai đoạn trầm cảm do bệnh tháng Năm gây ra nhanh hơn, bạn nên chia sẻ suy nghĩ của mình với người xung quanh. Kể cả khi bạn không có người thân, bạn bè bên cạnh. Hãy chat, gọi điện cho họ. Hoặc khi bạn thấy quá khó để bày tỏ với người thân quen, bạn có thể thử bắt chuyện với người lạ (ra công viên nói chuyện với các cụ già chẳng hạn) hay tự nói chuyện với một vật vô tri nào đó.

Quan trọng là, việc nói ra vấn đề của mình sẽ phần nào giúp trí óc bạn được giải tỏa. Từ đó suy nghĩ tích cực sẽ được thông suốt. Có thể bạn không tìm ra giải pháp cho mình ngay nhưng gánh nặng tâm lý nhẹ bớt sẽ giúp bạn có động lực bước tiếp mà không bị sa vào trầm cảm nặng.

vượt qua bệnh tháng năm

Chuẩn bị tâm lý kĩ càng

Trước mùa lễ hội, hoặc trước khi bạn bước vào một thời kì mới trong cuộc sống – hãy học cách chuẩn bị tâm lý thật kĩ. Luôn sẵn sàng cho những khó khăn, thay đổi và rèn luyện khả năng thích nghi sẽ giúp bạn bớt stress. Và ngoài ra, tránh xa chứng trầm cảm.

Hơn nữa, hãy nhớ rằng không ai có thể giỏi ngay một việc – đặc biệt là khi bạn mới bắt đầu đi làm. Khó khăn trong giao tiếp với người khác hay cảm giác cô đơn khi lạ lẫm với trường, lớp mới cũng sẽ dần qua đi. Bản thân bạn hãy luôn nghĩ đến những điều tích cực. Tuy chúng chưa đến ngay, nhưng rồi sẽ đến.

Bạn có nguy cơ “mắc” bệnh tháng Năm không?

Nào, cùng trả lời một số câu hỏi sau đây để xem bạn có những biểu hiện của “bệnh tháng Năm” không nhé! Kể cả là khi bạn không ở Nhật 🙂

Bạn không muốn gặp gỡ mọi người

Bạn nghĩ rằng mọi việc đều tồi tệ

Bạn thường xuyên mất ngủ

Bạn đi ra ngoài với đồ mặc nhà vì thấy thay đồ thật phiền toái

Nghĩ đến công ty/trường học làm bạn thấy chán ốm

Tự dưng mọi sở thích trước đây trở nên tẻ nhạt

Dậy sớm nhưng cảm giác mệt mỏi thường xuyên làm bạn đi trễ/vắng mặt

Đôi lúc bất chợt không nghe thấy âm thanh tiếng động xung quanh

Mắc những lỗi mà trước đây chưa từng phạm phải

Không còn sức mà bật tivi/đài/máy tính lên

Nếu bạn trả lời Có ở 2 đến 4 mục, thì có lẽ bạn đang có những dấu hiệu của bệnh tháng Năm. Nếu bạn thấy có trên 6 mục đang xảy đến với mình, thì tình hình khá nghiêm trọng rồi. Hãy nghỉ ngơi và dành nhiều thời gian cho bản thân cũng như gặp gỡ bạn bè nhé. Đừng để stress nhấn chìm bạn!

Bình luận Facebook
Chia sẻ
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *