Loading...
Tổng hợp

Những điều cần biết khi đi tắm suối nước nóng Onsen

Onsen theo tiếng Hán có nghĩa là Ôn tuyền. Ôn là ấm, nóng; tuyền là suối. Chính vì vậy, onsen có nghĩa là suối nước nóng. Nhật Bản hiện vẫn còn núi lửa hoạt động nên nơi đây có rất nhiều suối nước nóng. Đây là một trong những yếu tố thu hút rất nhiều du khách đến với Nhật Bản hàng năm. Sentou là loại nước nóng được đun lên rồi cho vào bồn. Nó khác với onsen là suối nước nóng tự nhiên.

Onsen được hình thành từ những ngọn núi lửa đã không còn hoặc vẫn đang hoạt động. Nước ở đây là nước khoáng nguyên chất, rất tốt cho sức khoẻ. Vì thế, rất nhiều người Nhật đến onsen để thư giãn và nuôi dưỡng tinh thần. Ngoài ra, ngâm mình trong suối nước nóng còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt.

 

Nguồn gốc suối nước nóng onsen

Nhật Bản được xem là một trong những quốc gia có nguồn suối nước nóng (người Nhật gọi đó là các “onsen”) dồi dào nhất trên thế giới. Trên khắp chiều dài Nhật Bản có khoảng 150 suối nước nóng và 1400 các nhánh suối nhỏ.

Ngâm mình trong các suối nước nóng với nhiệt độ khoảng từ 25°C à 60°C. Có nơi gần 100°C như: Ogama Onsen ở Nagano từ xa xưa đã là một thói quen ưa thích của người dân Nhật Bản. Cho đến nay ngâm mình trong suối nước nóng giữa khung cảnh thiên nhiên đã được khoa học chứng minh là một trong những liệu pháp hữu hiệu nhất để thư giãn, giảm mệt mỏi căng thẳng cũng như chữa được một số các căn bệnh khác nhờ vào nguồn khoáng chất dồi dào trong các suối nước nóng ở Nhật Bản.

Tắm Osen ở Nhật

Chúng ta biết rằng do địa hình Nhật Bản có nhiều núi lửa. Vậy nên nơi đây có nhiều nguồn nước nóng. Song bên cạnh đó sự hình thành các (onsen) có thể kể đến:

– Các mạch nước ngầm được các dòng magma núi lửa làm nóng.
– Một phần xác động vật cổ xưa bị hoá thạch, phần còn lại bị phân huỷ thành dầu&nước tạo thành khoáng chất tạo thành một hàm lượng đáng kể chất khoáng trong mạch nước nóng.
– Nước tinh khiết đi qua một phần tâm Trái đất và bị làm nóng.

Truyền thống onsen thường được để lộ thiên (nhà tắm lộ thiên tiếng Nhật là rotenburo hoặc notenburo). Nhưng ngày nay kiểu nhà tắm trong nhà lại rất thịnh hành. Chúng hoạt động dưới sự quản lý của cơ quan địa phương hoặc của tư nhân (uchiyu) – thường là khách sạn, ryokan hoặc nhà trọ tư nhân (minshuku – chỉ phục vụ chỗ ngủ và bữa sáng cho khách trọ). Đặc trưng của những nhà trọ kiểu này là người đứng đầu thường là bà chủ okamisan.

Onsen chủ yếu xuất hiện ở vùng nông thôn. Chính vì thế, những đôi tình nhân, vợ chồng con cái hoặc cả công ty sau những giờ làm vịêc học tập căng thẳng, hoặc đơn giản chỉ muốn tìm một nơi lãng mạn và mới lạ thường lặn lội đi tàu từ thành phố về vùng quê hẻo lánh để nghỉ ngơi thư giãn và tâm tình dưới làn nước nóng ấm.

Lợi ích khi tắm onsen

Dù cùng được gọi là onsen, nhưng nó được chia thành 2 loại, onsen để trị liệu và onsen thông thường. Với những người đến tắm onsen để trị liệu, họ sẽ vào những bồn tắm chuyên dụng để phục hồi sức khỏe. Ngoài ra họ còn uống nước khoáng nóng để điều trị bệnh và phục hồi vết thương.

Với dịch vụ onsen trị liệu, từng loại sẽ cho các hiệu quả khác nhau. Dù không chứa các thành phần đặc biệt thì người ta cũng tin rằng khi tắm ở đây, có thể chữa được một số bệnh thông thường.

Các bệnh này bao gồm đau dây thần kinh, đau cơ, đau khớp, đau vai, tê cơ, căng cơ khớp, các vết bầm, bệnh đường tiêu hóa mãn tính, bệnh trĩ, tuần hoàn kém mệt mỏi…tùy vào các thành phần có trong nước mà hiệu quả khác nhau. Tuy nhiên không thể đảm bảo là nó có hiệu quả với tất cả mọi người.

Mặt khác, vì onsen cũng có khi có tác động tiêu cực đến người mắc bệnh tim, xơ cứng động mạch, cao huyết áp nên hãy lưu ý nhé.

Ngoài mục đích trị bệnh, còn có các cơ sở onsen phục vụ nhu cầu giải trí với hình thức onsen thư giãn, onsen phức hợp qui mô lớn. Phần lớn những người đến với mục đích giải trí là gia đình, cặp đôi, bạn bè. Họ thường chọn các khu onsen đi về trong ngày hoặc trọ lại tại các Lữ quán gọi là Ryokan.

Ngoài ra, cũng có người đến các khu onsen phức hợp để vui chơi, thưởng thức suối nước nóng, hồ bơi, ẩm thực, khu vui chơi… Tại Nhật Bản, ngoài các cơ sở onsen được gọi là Sento, không có chỗ trọ lại, còn có các suối nước nóng với cảnh quan độc đáo giống như Địa phủ, bao gồm các thành phần khoáng chất đặc biệt, và nước suối nóng chảy vào bồn tắm qua bề mặt đất hoặc sàn gỗ.

Văn hóa của người Nhật tại khu vực tắm onsen

Người Nhật đi tắm Onsen với mục đích ngâm mình trong suối nước nóng và thư giãn cơ thể một cách thong thả. Do đó, không được bơi lội, gây ồn ào trong khu vực tắm. Đặc biệt, những người có dắt theo trẻ em, cần phải lưu ý để chúng không té ngã, đuối nước.

Để mọi người đều cảm thấy thoải mái khi tắm cùng nhau, hãy làm sạch cơ thể với nước ấm. Buộc tóc gọn gàng trước khi vào tắm để tránh làm bẩn nước.

Khi ngâm mình trong hồ nước, bạn không nên kì cọ vì các bụi bẩn, ghét bám trên cơ thể sẽ làm dơ nước tắm. Hầu hết các Onsen của Nhật không giống với nước ngoài. Họ không chấp nhận mặc áo tắm. Vậy nên việc quấn khăn rồi bước vào bồn tắm, hoặc nhúng khăn vào bồn, đặt khăn tại nơi nước chảy ra vào cũng không được phép. Thùng hoặc bồn tắm dành cho một người rất được ưa chuộng. Bạn ngâm khoảng 15 phút thì nên đi ra để nhường cho người khác.

Truyền thống Nhật Bản – Khăn quấn đầu tại suối nước nóng Onsen

Khi sử dụng nơi giặt rửa, bạn cần lưu ý một số điểm sau. Onsen là nơi có nhiều người sử dụng, không tránh khỏi tình trạng đông đúc. Không được đặt những vật dụng khi đi tắm ở đấy làm vướng chỗ người khác. Khi sử dụng vòi sen, cũng phải chú ý để không văng trúng người bên cạnh hoặc phía sau. Sau khi sử dụng chậu rửa mặt hoặc ghế thì phải xối nước nóng rửa sạch và đặt vào chỗ cũ.

Ngoài ra, khi cơ thể không khỏe như đau bụng hoặc buồn nôn hoặc khi đang trong kỳ kinh nguyệt, hãy tránh sử dụng bồn tắm công cộng nhé.

Khi đi tắm suối nước nóng onsen bạn cần đặc biệt lưu ý những điều trên. Hãy tuân thủ để mọi người cùng nhau thoải mái tận hưởng cảm giác sảng khoái khi tắm suối nước nóng. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý tránh ngâm mình quá lâu trong nước, vì sẽ không tốt cho cơ thể. 

Trình tự cơ bản khi đi tắm onsen

  • Bước 1:

Vào cửa, cất giày, giữ chìa khóa tủ giày và đăng ký rồi nhận chìa khóa tủ để đồ. Nếu là dạng ryokan và ở trọ thì bạn vào check-in như khách sạn bình thường.

  • Bước 2:

Sau khi nhận chìa khóa tủ để đồ bạn sẽ được phát hoặc được chỉ dẫn để tự đi lấy khăn tắm và khăn mặt. Nếu tắm onsen ở ryokan thì bạn sẽ được phát một bộ yukata. Ở những khu tắm onsen có cả nhà hàng và dịch vụ thư giãn, giải trí thì chìa khóa của tủ để đồ mà bạn nhận khi check-in sẽ có mã vạch. Mã vạch này được dùng để quét mỗi khi sử dụng dịch vụ nào đó trong khu onsen. Đến khi bạn check-out người ta sẽ đọc mã vạch để thanh toán chi phí mà bạn phải trả.

  • Bước 3:

Nhận khăn tắm xong bạn có thể vào tắm ngay. Chỗ tắm onsen được chia làm 2 bên dành cho nam (màu xanh) và dành cho nữ (màu đỏ)

  • Bước 4:

Sau khi vào trong bạn tìm tủ để đồ theo số trên chìa khóa rồi có thể vào tắm luôn. Một lưu ý nho nhỏ là nếu có hình xăm trên người thì bạn không được vào onsen đâu nhé. Bạn có thể mang khăn nhỏ vào chỗ tắm onsen nhưng không được phép mang khăn tắm to vào trong đó. Mọi người thường dùng chiếc khăn nhỏ này để che cơ thể khi đi từ chỗ thay đồ sang chỗ tắm. Trước khi vào chỗ tắm bạn cũng nên đi toilet nếu có nhu cầu vì trong đó không có nhà vệ sinh.

  • Bước 5:

Khi vào đến chỗ tắm, bạn cần tắm sạch sẽ trước khi ngâm mình trong onsen. Một khu onsen có cả phòng xông hơi nữa. Bạn có thể xông hơi trước rồi vào ngâm bồn sau. Chỗ tắm thường được chia theo ô, có sẵn dầu gội đầu, dầu xả và sữa tắm và một chiếc ghế gỗ, 1 chiếc chậu gỗ. Khi tắm mọi người thường ngồi ghế chứ không đứng lên tránh việc dội nước bắn vào người bên cạnh.

  • Bước 6:

Sau khi tắm rửa sạch sẽ, bạn có thể ngâm mình trong bồn. Các bạn tóc dài thì cần đặc biệt lưu ý cột tóc cao lên để tránh tóc chạm xuống nước khi ngâm mình. Chiếc khăn nhỏ mà bạn mang vào cùng lúc đầu thường được quấn lên trên đầu khi ngâm mình trong bồn.

Lúc xuống bồn cần chú ý bước thật nhẹ nhàng. Không nhảy hay giẫm mạnh làm nước bắn lên ảnh hưởng đến những người xung quanh. Nếu đi với bạn bè thì chú ý không được nói chuyện quá ồn ào khi đang ngâm bồn gây khó chịu cho những người xung quanh nhé.

Khu vực tắm thường được chia làm nhiều bồn khác nhau. Tương đương với các loại nước suối khác nhau và nhiệt độ của mỗi bồn cũng khác nhau nữa. Bạn có thể thử ngâm mình ở tất cả các bồn. Ngoài các bồn tắm trong nhà, còn có 1 cửa dẫn ra khu tắm bồn ngoài trời. Tuy là ngoài trời nhưng không phải là kiểu bồn ai cũng nhìn thấy bạn tắm đâu nhé. Nó vẫn thuộc khi tắm dành riêng cho nam hoặc nữ.

Tắm ngoài trời có một điểm đặc biệt thú vị đó là bạn được ngâm mình trong nước nóng trong khi thời tiết lại khá lạnh, xung quanh còn có rất nhiều cảnh sắc thiên nhiên đẹp đến ngỡ ngàng nên nếu đã tới onsen thì đừng bỏ lỡ trải nghiệm tuyệt vời này nhé.

  • Bước 7:

Sau khi ngâm bồn xong, bạn nên tắm lại sạch sẽ. Sau đó lau khô người rồi ra phía ngoài lấy đồ và mặc quần áo. Ở khu thay đồ bạn có thể sử dụng máy sấy, lược, bông ngoáy tai, sữa rửa mặt, lotion và sữa dưỡng da và tất cả những thứ này đều miễn phí.

Phía trên là toàn bộ quy trình tắm onsen mà bạn có thể tham khảo thêm khi có dịp tới và tận hưởng những phút giây thư giãn nơi đây.

Những địa điểm tuyệt vời để tắm onsen

Ở Nhật có rất nhiều nhà tắm onsen công cộng. Mỗi vùng lại có một vài khu onsen nổi tiếng. Bạn có thể tham khảo các địa điểm theo từng vùng tại đây!

Bình luận Facebook
Chia sẻ
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *