Tìm được việc làm ở Nhật, đặc biệt là làm việc tại các công ty lâu đời, hẳn là điều mơ ước của rất nhiều người, không chỉ là người dân bản địa mà đối với cả những người nước ngoài sinh sống tại Nhật. Tuy nhiên, liệu mọi thứ đều “đẹp như mơ”?
Bạn chắc chắn không còn lạ lẫm gì với tình trạng già hóa dân số và già hóa nguồn lao động tại Nhật Bản. Đó là khi tỉ lệ sinh giảm và tuổi thọ người già được kéo dài, dẫn đến thực tế lực lượng gánh vác nền kinh tế đa phần là những người lớn tuổi.
Tuy nhiên, tồn tại song song với điều này lại là một nghịch lý khác: đó là vấn đề Kì thị tuổi tác (エイジズム) vẫn đang cắm rễ trong tư tưởng doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình tuyển dụng lao động.
Nếu bạn có hứng thú với văn hóa Nhật Bản cũng như có ý định tìm việc làm ở Nhật, Morning Japan tin rằng bài viết này sẽ giúp bạn mở rộng tầm nhìn cũng như kiến thức về một trong những vấn đề gây nhức nhối trong nền kinh tế Nhật Bản hiện tại.
Kì thị tuổi tác (エイジズム) là gì?
エイジズム là phiên âm từ tiếng Anh của từ Ageism, hay còn gọi là Age Discrimination (年齢差別 – nghĩa là phân biệt, kì thị tuổi tác). Đây là từ để chỉ hành động phân biệt đối xử, thái độ định kiến với người khác dựa vào tuổi của họ, thường là người già. Trong trường hợp của doanh nghiệp Nhật Bản, đây là sự phân biệt trong quá trình tuyển dụng đối với những người trung niên (ngoài 30 tuổi).
Mặc dù theo luật pháp Nhật Bản, để bảo vệ quyền con người và bình đẳng của công dân, các công ty không được phép phân biệt tuổi tác hay ưu tiên/kì thị những nhóm tuổi khác nhau khi tuyển dụng. Nhưng sự kì thị tuổi tác vẫn diễn ra như một “luật ngầm” trong giới doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn và lâu đời.
Kì thị tuổi tác trong tuyển dụng việc làm ở Nhật
Việc phân biệt và lựa chọn ứng viên dựa vào độ tuổi là bước tất yếu và rất bình thường trong quá trình sàng lọc hồ sơ ứng viên tại nhiều công ty Nhật.
Trong một bài viết đăng trên tờ Japantimes, tác giả Kaho Shimizu đã nêu ra một trường hợp thất nghiệp vì tuổi tác điển hình. Ông Tokuyuki Kudo, 40 tuổi, từng là kĩ sư hóa chất sinh sống tại Osaka, đã phải chấp nhận không có việc làm full-time trong suốt 10 năm, từ sau khi ông xin nghỉ việc tại nhà máy sản xuất hóa chất nơi ông từng làm việc.
Lý do nghỉ việc của ông Kudo là vì công ty ép ông thuyên chuyển công tác. Đây là điều các công ty Nhật thường áp dụng đối với nhân viên chính thức của công ty khi công việc kinh doanh gặp khó khăn.
Sau khi trải qua vô số các công việc bán thời gian, ông Kudo đã tìm được công việc làm bảo vệ. Tuy nhiên, giờ giấc làm việc không cố định và số ngày làm việc của ông cũng ngày một giảm đi do công ty đang cắt giảm chi tiêu.
Ông Kudo đã nộp đơn xin việc vào vô số công ty trong suốt 10 năm với mong muốn tiếp tục chuyên môn về hóa chất. Mặc dù vậy, tất cả đều bị từ chối với lý do tuổi tác không phù hợp, cho dù lúc đó ông mới ngoài 30 tuổi.
Kì thị tuổi tác và tỉ lệ thất nghiệp
Theo số liệu được công bố, vào tháng 4 năm 2017, tỉ lệ thất nghiệp ở Nhật là 2.8% – con số thấp nhất trong gần 2 thập kỉ trở lại đây. Điều này có phải là tín hiệu đáng mừng hay không?
Ở các quốc gia khác, tỉ lệ thất nghiệp thấp có thể cho thấy rằng số người có việc làm đã tăng lên, nhưng đối với Nhật Bản, nó còn phản ánh sự suy giảm, thiếu thốn nhân lực trong nguồn lao động. Ngoài ra, công việc tạm thời, bán thời gian… cũng chiếm phần lớn.
Sự thực này nói lên điều gì? Đó là, cùng với tình trạng “kì thị tuổi tác”, nguồn lao động lứa tuổi trung niên phải chấp nhận những công việc tạm bợ không cố định, thu nhập thấp, đặc biệt là nữ giới.
Cũng theo bài báo đăng trên Japantimes, hơn 90% doanh nghiệp Nhật ra giới hạn độ tuổi khi tuyển dụng. Độ tuổi tối đa để được nhận vào làm là 41 tuổi. Bài báo đưa ra số liệu, trong 3.37 triệu người thất nghiệp tại Nhật (cho đến năm 2002) thì có đến 1.38 triệu người trên 45 tuổi. Còn đây là thống kê tỉ lệ thất nghiệp theo độ tuổi tại Nhật năm 2017. Bạn có thấy rằng tỉ lệ thất nghiệp từ độ tuổi 34 trở đi chiếm phần lớn?
Vì sao ngoài 30 tuổi, bạn khó tìm được việc làm mới?
Bạn sẽ thắc mắc rằng, “gừng càng già càng cay” vậy tại sao các công ty lại không trọng dụng những người này? Không thể phủ nhận rằng, VĂN HÓA NHẬT BẢN hay văn hóa làm việc của người Nhật, là một trong những nguyên nhân chính.
Hình thức tuyển dụng trọn đời (lifetime employment)
Ở các công ty Nhật thường có chính sách tuyển dụng trọn đời, tức là các công ty tuyển người vào làm cho họ suốt đời. Với tư tưởng này, các công ty thường ưu tiên tuyển những người trẻ tuổi, kể cả không có kinh nghiệm vào làm. Người trẻ thường có lợi thế về sức khỏe, không vướng bận gia đình, sẵn sàng làm thêm giờ, nên có nhiều thời gian, công sức cống hiến cho sự phát triển của công ty.
Nhưng người trẻ thì thiếu kinh nghiệm? Không vấn đề gì, các công ty Nhật luôn sẵn sàng đào tạo nhân lực mới. Bởi vì đằng nào nhân viên cũng sẽ chỉ làm việc cho họ mà không nhảy việc sang nơi khác.
Kể cả khi nhân viên công ty muốn thăng tiến, họ cũng sẽ được đề cử thăng tiến trong nội bộ công ty chứ không “thoát” được sang công ty khác. Vì vậy, thời gian làm việc tại một công ty Nhật có thể lên tới 35 năm hoặc hơn.
Sự trung thành này có lẽ trên thế giới chỉ có các nhân viên Nhật Bản mới có. Với hình thức tuyển dụng trọn đời, rất hiếm khi các công ty Nhật tuyển những người “senior” dày dạn kinh nghiệm trong nghề.
Định kiến về năng lực làm việc
Một nét văn hóa đáng tự hào của người Nhật đó là sự kính trọng và ưu tiên dành cho người trên, người lớn tuổi. Tuy nhiên, tiếc rằng điều này lại không trở thành lợi thế khi họ đi tìm việc làm mới.
Tại Nhật, các nhân viên càng làm việc lâu năm trong công ty sẽ càng nhận được mức lương cao. Kể cả khi kinh nghiệm của họ không xứng đáng với mức lương đó. Dần dần, trong suy nghĩ của mọi người: tuyển người có tuổi nghề, tuổi đời cao đồng nghĩa với việc chi một món tiền lớn cho một món đồ đắt đỏ. Trong khi đó, các công ty hoàn toàn có thể “tiết kiệm”. Họ chỉ cần tuyển người không có kinh nghiệm về đào tạo từ đầu.
Hơn nữa, làm việc một khoảng thời gian trong một công ty rồi nghỉ việc là điều không hay. Khi khi chuyển sang công ty mới, sẽ dễ bị coi là không trung thành trong con mắt của nhiều nhà tuyển dụng.
Thậm chí, nghỉ việc giữa chừng còn bị gán cho là “mất tư cách” nên mới không thể tiếp tục cống hiến tại công ty cũ. Đây là những thành kiến rất phổ biến với người đi làm lâu năm tại Nhật.
Không chỉ ở Nhật, ngay cả ở những quốc gia khác, người lớn tuổi không được đánh giá cao. Họ bị cho là thiếu linh động, kém lĩnh hội công nghệ mới, thích nghi chậm. Họ cũng có nhiều nguy cơ gặp vấn đề sức khỏe và không chịu được cường độ công việc cao.
Như vậy, khi tìm việc làm ở Nhật, người đi làm lâu năm sau khi nghỉ việc luôn lép vế trước những lao động trẻ tuổi.
Hậu quả
Hệ lụy dễ dàng nhìn thấy nhất đó là tỉ lệ nghèo đói tăng cao ở độ tuổi trung niên.
Theo các báo cáo và nghiên cứu, tỉ lệ người nghèo tăng cao tại Nhật có nguyên nhân chính là do những người độ tuổi lao động đã có gia đình và con nhỏ gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm ổn định. Những đối tượng này thông thường có thu nhập thấp dưới mức bình quân. Những công việc bán thời gian chỉ trả họ mức lương bèo bọt.
Tiếp theo, là tỉ lệ lớn người vô gia cư trong độ tuổi 40 trở lên. Đặc biệt là nam giới. Họ được coi là trụ cột, lao động chính trong gia đình. Vì thế, một khi đã thất nghiệp, nam giới độ tuổi trung niên không có kinh tế. Hơn nữa họ lại còn không nhận được trợ giúp từ xung quanh như nữ giới.
Cuối cùng, thất nghiệp kéo dài còn dẫn đến tỉ lệ tự tử tăng lên. Tỉ lệ nam giới tự tử ở Nhật cao gấp 2.3 lần nữ giới (số liệu năm 2012). Lý do vẫn vì nam giới được coi là người kiếm tiền chính. Nữ giới sẽ là người lo chăm sóc con cái và nội trợ. Do đó, nam giới thất nghiệp quá lâu và không làm đủ tiền nuôi gia đình có xu hướng tìm đến cái chết để giải phóng mình khỏi gánh nặng tài chính không lối thoát.
Nhìn về tương lai
Thay đổi tư duy và văn hóa vốn không phải là chuyện một sớm một chiều. Nhưng một điều đáng mừng là hình thức tuyển dụng trọn đời tại Nhật đang bắt đầu bị lay chuyển. Điều này không còn phù hợp với tình hình xã hội hiện đại nữa.
Hiện nay các công ty tư nhân vừa và nhỏ đã bắt đầu tuyển những người già có kinh nghiệm. Điều này còn giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động do già hóa dân số.
Tuy nhiên, về phía người lao động, họ cũng phải chấp nhận mức lương không như ý. Không phải cứ “gừng già” nhiều kinh nghiệm là phải được trả lương cao. Tài chính của nhiều doanh nghiệp không đủ để đáp ứng điều đó.
Bạn nghĩ sao về vấn đề kì thị tuổi tác tại Nhật? Cùng chia sẻ suy nghĩ với Morning Japan bằng cách để lại bình luận bên dưới nhé!