Không thể phủ nhận rằng phụ nữ Nhật Bản hết sức tài năng và có trình độ học vấn giỏi giang không thua kém nam giới. Tuy nhiên, khi đi làm tại Nhật, phụ nữ phải đối diện với vô số trở ngại. Từ cơ hội tìm việc tại Nhật, chế độ đãi ngộ, con đường thăng tiến… họ đều phải chịu thua thiệt.
Vì sao lại tồn tại những bất công đối với phụ nữ khi đi làm tại Nhật? Ngoài công việc, liệu họ còn những trăn trở bất an gì khi đến nơi làm việc mỗi ngày? Hãy cùng Morning Japan mở ra kiến thức về văn hóa Nhật Bản để làm sáng tỏ câu trả lời nhé!
Ảnh hưởng của xã hội “trọng nam khinh nữ”
Nhật Bản là một đất nước có nền văn minh phát triển và một cường quốc của thế giới. Văn hóa Nhật Bản tinh tế và mang đậm bản sắc riêng cũng là một niềm tự hào của đất nước này.
Tuy nhiên, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã tồn tại trong văn hóa Nhật Bản qua hàng thế kỉ. Các nước châu Á khác có cùng hệ tư tưởng “nam tôn” đã tiến bộ rõ rệt trong việc xóa bỏ lối suy nghĩ bất bình đẳng này. Trong khi đó, xã hội Nhật Bản dường như vẫn còn đang mắc kẹt trong định kiến về vai trò của phụ nữ, mặc cho những chính sách bình đẳng giới đã được luật pháp ban hành từ những năm 90.
Các định kiến gán cho người phụ nữ Nhật
- Phụ nữ trưởng thành phải biết chu toàn nhà cửa, phụng dưỡng cha mẹ già và chăm sóc chồng con
- Phụ nữ chỉ thích hợp công việc hành chính bàn giấy, không liên quan đến kĩ thuật
- Phụ nữ không thích hợp để đảm nhận vai trò lãnh đạo trong công ty
- Phụ nữ nhận mức lương thấp do không làm việc hiệu quả như nam giới
Chính những suy nghĩ cổ hủ này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của xứ Mặt Trời mọc. Bởi vì, phụ nữ chiếm 43% lực lượng lao động tại Nhật (2016). Còn hiện tại, họ chiếm đến 51% dân số.
Sống trong một xã hội vẫn đề cao vai trò của nam giới như vậy, khi đi làm tại Nhật, người phụ nữ phải chịu những thiệt thòi gì?
Những khó khăn của phụ nữ khi đi làm tại Nhật
Chế độ đãi ngộ bất công
Tuyển dụng
Ở Nhật, sự kì thị đối với nữ giới diễn ra ngay từ khi họ chưa bước chân vào công ty. Nhiều công ty ra chính sách tuyển dụng dựa trên giới tính và kì thị tuổi tác. Người trẻ tuổi được ưu tiên hơn những người ngoài 30. Nam giới sẽ được ưu tiên tuyển vào những vị trí quan trọng và chính thức.
Ngược lại, nữ giới được phân cho vào những vị trí mang tính chất hỗ trợ (như trợ lý). Cũng có những nhân vật thành đạt và nắm giữ chức vụ cao trong công ty là nữ giới, nhưng tỉ lệ này chiếm cực kì ít. Chẳng hạn, trong các nhà máy tư nhân, chỉ có 9% nữ giới nắm giữ chức vụ quản lý cho dù số lao động nữ chiếm tới 40% tổng số nhân viên.
Ngay chính bản thân các công ty cũng không thành thực với thái độ “trọng nam khinh nữ” của mình. Tờ The Economist đã nêu ra rằng, dù công ty Nhật có hứa hẹn trao cơ hội một cách công bằng cho nhân viên nam và nữ, thực tế không được như vậy. Trong hội chợ việc làm, người ta sẽ để nhân viên nam thuyết trình về công ty còn nữ giới chỉ đi xung quanh phát tờ rơi.
Mức lương
Ngoài ra, cùng là một vị trí, nhưng nữ giới ở Nhật lại được trả lương thấp hơn. Trong các ngành nghề liên quan đến kĩ thuật hoặc các ngành nghề nam giới chiếm ưu thế về thể chất, nhiều nhân viên nữ thậm chí không được giao việc cho làm. Kể cả khi họ có khả năng hay tỏ ý rất muốn đảm nhận nhiệm vụ, họ cũng ít khi được trao cơ hội thể hiện mình.
Theo một khảo sát năm 2017 tiến hành trên 903 nữ giới, có đến 53% người trả lời rằng điều khiến họ không ngừng bận tâm trong công việc đó là mức lương thấp và chế độ đãi ngộ. Tiếp theo đó là những lo lắng về tương lai nghề nghiệp cùng quan hệ với đồng nghiệp.
Chế độ đãi ngộ
Chịu thiệt thòi nhất đó là những người phụ nữ làm công việc tạm thời hay bán thời gian tại các cửa hàng tiện lợi, nhà máy… Đáng buồn là phần lớn lao động nữ ở Nhật Bản chỉ có thể nhận những công việc tạm bợ, không có tính ổn định lâu dài.
Một phần, đó là do các công ty có xu hướng tuyển người làm tạm thời để cắt giảm chi phí. Lương trả cho lao động là nữ giới trong những công việc này rất rẻ. Mặt khác, những phụ nữ đã sinh con sau thời gian nghỉ thai sản khó mà có thể tìm được công việc tốt, ngay cả trước đó họ có công việc full-time ổn định. Sau khi nghỉ thai sản, họ trở thành nhân viên không chính thức.
Vì sao lại như vậy? Khi phụ nữ ở Nhật mang thai, nếu họ không phải chịu sức ép buộc phải thôi việc từ phía công ty thì họ cũng phải tự nghỉ việc để có thể cân bằng được thời gian chăm sóc cho con. Sau thời gian nghỉ sinh và chăm con nhỏ, phụ nữ Nhật hầu như không còn cơ hội theo đuổi nghề nghiệp mình muốn.
Chấp nhận công việc tạm thời cũng đồng nghĩa với bị cắt giảm phúc lợi xã hội, y tế và đối mặt với vấn đề sức khỏe do làm việc quá sức mà không có điều kiện cải thiện thể chất.
Con đường thành công mờ mịt
Lương thấp, quyền lợi bị cắt giảm, bị đối xử không công bằng tại nơi làm việc… tất cả những lý do này đều làm cho những người phụ nữ đi làm tại Nhật thấy lo lắng về tương lai của công việc.
Ở độ tuổi còn trẻ (dưới 25 tuổi), phần đông cảm thấy công việc không có tiến triển và khó thăng tiến. Nhiều người đã làm việc cho công ty trên 5 năm nhưng không hề được cất nhắc. Thực tế ở Nhật, có cả các công ty không có chế độ thăng tiến dành cho nữ nhân viên.
Tuy vậy, các nhân viên này không dám chuyển việc dù bất mãn với công ty hiện tại. Họ lo sợ rằng chuyển việc thì sẽ không tìm được công việc tốt hơn. Hơn nữa, phạm vi công việc của họ chủ yếu là những công việc đơn giản. Họ không có cơ hội nâng cao tay nghề của mình để có thể tự tin chuyển việc.
Đa số phụ nữ Nhật độ tuổi này muốn vạch ra con đường sự nghiệp của bản thân. Thế nhưng, họ hoàn toàn cảm thấy mơ hồ và không biết bắt đầu từ đâu.
Ở độ tuổi kết hôn và sinh đẻ, phụ nữ Nhật lại có nhiều mối lo lắng khác. Ví dụ như khả năng tài chính cũng như cơ hội được tiếp tục làm việc sau khi sinh con.
Gánh nặng gia đình và con cái
Xã hội Nhật Bản quan niệm “tổ ấm là báu vật của người phụ nữ”. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi lý do “gia đình” là nguyên nhân nghỉ việc chính của phụ nữ Nhật Bản sau khi kết hôn.
Như vậy, hoặc là phụ nữ Nhật sẽ sống độc thân để theo đuổi sự nghiệp. Hoặc là, họ sẽ kết hôn và dành phần lớn thời gian cho việc nhà. Trung bình, một phụ nữ Nhật có gia đình và đi làm sẽ dành 215 phút mỗi ngày cho việc nhà. Con số này ở nam giới chỉ là 42 phút. Sự thiếu chia sẻ trong công việc nội trợ, chăm sóc con cái… khiến cho người phụ nữ không có thời gian dành cho công việc.
Sinh con = chấp nhận nghỉ việc
Có hơn 60% phụ nữ Nhật chọn nghỉ việc khi sinh con đầu lòng. Ngay cả khi họ muốn tiếp tục làm việc thì cường độ làm thêm giờ dày đặc hay việc công ty không có chính sách hỗ trợ phụ nữ có con nhỏ cũng khiến họ không thể làm tốt vai trò của mình.
Song hành với đó là sự thiếu thông cảm của đồng nghiệp công ty. Một nữ nhân viên cho biết, công ty cho phép cô ra về sớm 1 tiếng để đón con. Nhưng, cô lại phải đối mặt với chỉ trích của đồng nghiệp nam. Họ phàn nàn về sự vắng mặt của cô. Mặc dù có những việc chỉ liên lạc bằng điện thoại hay email là có thể giải quyết được.
Nếu người phụ nữ Nhật vẫn quyết định đi làm công việc cũ sau khi có con, họ chắc chắn sẽ phải nghe những lời xì xào như “không quan tâm con cái” hay “vô trách nhiệm với gia đình”.
Để cân bằng được thời gian làm việc và nuôi con, phụ nữ Nhật phải làm những việc tạm thời. Tuy lương thấp nhưng họ sẽ được tự do hơn về mặt thời gian cho gia đình.
Womenomics và hi vọng cho phụ nữ Nhật Bản
Chính sách Womenomics (hay Học thuyết kinh tế phụ nữ) đã được Nhật Bản thông qua nhiều năm nay. Chính sách này nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho phụ nữ Nhật làm việc ở mọi lứa tuổi. Chính phủ đã nỗ lực thay đổi pháp luật và tạo ra các chính sách trao quyền cho phụ nữ. Nhờ đó, số lao động nữ ở Nhật đã tăng từ 15 triệu người (1985) lên 24 triệu người (2014).
Nhật Bản hiện có tốc độ già hóa dân số nhanh và bị suy giảm lực lượng lao động. Nếu không tận dụng nguồn lao động nữ, kinh tế Nhật Bản sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa.
Tuy nhiên, để chính sách Womenomics đạt được hiệu quả tốt là cả một con đường dài. Trước tiên, chính phủ Nhật phải giải quyết được tình trạng thiếu hụt cơ sở chăm sóc trẻ em. Tiếp đó, phải tăng mức lương cho những người làm việc tạm thời. Quan trọng không kém là giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới tính trong xã hội Nhật.